Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Tư vấn luật–Quyền thừa kế nhà đất

Câu hỏi: Nhờ tư vấn luật Thái An tư vấn giúp. Ông bà nội của tôi sau khi mất có để lại tài sản bao gồm ngôi nhà cổ 5 gian gỗ lim, 2 nhà ngang và toàn bộ công trình phụ trên diện tích hơn 600 m2 tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Ngôi nhà này do gia đình chú tôi đang ở (chú tôi đóng thuế đất hàng năm). Hiện tại vẫn chưa có sổ quyền sử dụng đất (cả xã nhiều nhà chưa có sổ đỏ). Ông bà tôi có 5 người con, trước khi mất ông tôi có nói là cho tôi (cháu đích tôn của ông bà tôi). Xin hỏi: Tôi có được thừa hưởng tài sản nêu trên? Xin trân thành cảm ơn! 

Luật sư trả lời: Bạn chưa nói rõ nguồn gốc ngôi nhà đó thế nào? Ngôi nhà đó là tài sản riêng của ông bạn, là tài sản chung của ông bà bạn hay là tài sản chung của hộ gia đình? Ông, bà bạn mất năm nào? Có còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế không?...
Trên cơ sở thông tin chưa đầy đủ của bạn, chúng tôi có thể trả lời như sau:
1. Việc tranh chấp về thừa kế chỉ được Tòa án giải quyết nếu còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế của ông, bà bạn (ông bà bạn chết chưa quá 10 năm).
2. Bộ luật dân sự 2005 quy định di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ, đồng thời trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Sau 3 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ (điều 651, 652). Như vậy, di chúc của ông bạn không được coi là hợp pháp vì không được ghi chép lại và không công chứng, chứng thực.
3. Nếu còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì một trong các thừa kế có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi đó di sản sẽ được chia đều cho các thừa kế nêu tại khoản 1, Điều 676 BLDS.
Nếu hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì chú của bạn tiếp tục được quản lý, sử dụng di sản theo quy định của pháp luật.

tag: tư vấn luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét